Chương 4: NHỮNG RUNG ĐỘNG ĐẦU ĐỜI

Chẳng mấy chốc mà một đứa từ trước tới nay vốn rất mờ nhạt ở C2 như tôi lại bỗng dưng trở nên nổi tiếng, à không, phải nói là “tai tiếng” như vậy. Cũng chẳng nghĩ sẽ có một ngày cái tên Linh Trang trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cả lớp chỉ vì nó có công rất lớn trong việc kéo thành tích lớp đi xuống trong đợt thi đua chào mừng bốn mươi năm kỷ niệm thành lập trường, góp phần không nhỏ đưa chuyến du lịch Mộc Châu tưởng đã trong tầm với lại bị đẩy ra xa vời vợi.

Tôi còn nhớ như in ánh mắt cả lớp nhìn tôi khi Mít tờ Tuyên thông báo tin này ngày hôm nó. Tất cả đồng loạt quay về phía tôi, biểu cảm chỉ có thể gói gọn trong ba từ: giận giữ, giận giữ… và giận giữ.

Tôi thực sự không cam lòng đón nhận những ánh nhìn như vậy. Đúng là tôi có giậm vào chân tên Tuấn, tôi nhận lỗi. Nhưng rõ ràng chân của hắn đã bị thương từ trước, cái giậm chân của tôi cùng lắm chỉ như một giọt nước cuối cùng làm tràn ly mà thôi. Vậy mà cả lớp chẳng đứa nào chịu nhận ra điều đó, đem tất cả mội tội lỗi đổ dồn lên đầu tôi. Có thể tụi nó chỉ đang cố gắng tìm ra một người để chịu tội, và tôi, thật không may mắn, trở thành con cừu non tội nghiệp đó.

Tôi không thể giải thích, bởi vì ngoài ánh mắt trách cứ thì không đứa nào thèm mở mồm nói với tôi một câu. Bọn nó đem tội của tôi kể lể với nhau trong giờ giải lao, thậm chí tôi biết có đứa nào đó còn hót lẻo với thầy chủ nhiệm. Và mặc dù không phải viết bản kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh do đây chỉ là hành động “vô ý”, tôi cũng không tránh khỏi cái nhìn sắc lạnh của Mít tờ Tuyên cùng biểu cảm chán ghét của năm mươi lăm thành viên còn lại trong lớp, ngoại trừ Đường Tăng.

Cái cảm giác mỗi ngày đến lớp đều bị mấy trăm con mắt xói vào chỉ trích, cái cảm giác ngồi học mà vẫn lạnh sống lưng vì biết phía trước, phía sau, bên phải, bên trái đều có người đang nhìn mình chỉ trỏ khiến tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt. Thực ra trước đây vẫn nghĩ sống giữa một dàn “con cưng” của C2 cũ, bản thân tôi đã sớm bị cô lập rồi. Không cần phải kết bạn, không cần phải cố tình tỏ ra thân thiện với những người mình vốn không ưa. Thế nhưng giờ đây tôi lại không thể chịu được cảm giác những người mình không ưa cũng không ưa lại mình. Tôi đã từng có khoảng thời gian sống ích kỷ và vô lý như thế đó, tôi tự nhiên ghét bỏ những người bạn học, ghét bỏ thầy chủ nhiệm mà chẳng có một lý do gì. Rồi đến khi mình phạm phải sai lầm và bị họ xa lánh, tôi lại trách móc họ thiếu lòng vị tha. Có lẽ chính điều này đã khiến tôi tự tách biệt mình ra khỏi tập thể, xây dựng bức tường kiên cố bao quanh một thế giới riêng mà ngoài Đường Tăng không ai được phép bước chân vào.

********

Việc tìm mãi không xong người thay thế Tuấn béo khiến lớp tôi xảy ra một trận tranh cãi kịch liệt giữa ban cán sự và thành viên trong lớp. Tên Tuấn béo có thể nói là một trong số vô cùng ít những đứa con trai trong lớp có niềm yêu thích với thể dục thể thao. Hắn đá bóng giỏi, chơi cầu lông cũng tốt, vì thế khi nhà trường có thông báo tổ chức giải cầu lông nam nữ, hắn nghiễm nhiên trở thành ứng cử viên hàng đầu của đội tuyển nam, được Mít tờ Tuyên chỉ định đích danh mà chẳng cần phải giơ tay xung phong hay bầu bán gì hết.

Thi đấu cầu lông giải cấp trường chứ đâu phải cấp quốc gia nên lớp tôi cũng chẳng hơi đâu mà tìm thêm thành viên dự bị. Hơn nữa chắc cũng chẳng đứa nào nghĩ đến chuyện tên Tuấn béo có thể bị thương ở chân vào đúng thời điểm quan trọng này. Hắn trước nay khỏe như trâu, mùa đông cũng cứ một áo sơ mi mỏng tang đạp xe vù vù giữa đường. Vậy nên bọn tôi đều nghĩ da thịt xương xẩu của hắn chắc phải là đồng, là sắt, dễ gì đâu mà chỉ một cái “đụng nhẹ” của đứa con gái chưa đầy bốn mươi kí lô như tôi đã có thể làm cho bong gân, trật khớp.

Nhưng bây giờ những cái đó đâu còn quan trọng nữa. Điều quan trọng nhất lúc này chính là ai tình nguyện đứng ra thay Tuấn béo tham gia cuộc thi đấu vòng sơ loại kia.

        Hùng “xoăn”, Trung “tóc đỏ”, Sơn “chí phèo”,… Một vài cái tên có tiềm năng tiếp theo được tên Tuất mang ra hỏi ý kiến. Thế mà đứa nào đứa nấy lắc đầu nguầy nguậy, tụi nó có đến tỷ cái lý do, mà lý do nào cũng chính đáng. Hùng “xoăn” thì đang tập trung vẽ báo tường, Trung “tóc đỏ” thì dành quỹ thời gian rảnh chuẩn bị cho hội trại, còn Sơn “chí phèo” phải dồn hết công lực để ôn tập cho cuộc thi “hái hoa dân chủ” cũng diễn ra gần gần thời điểm đó.

        Tên Tuất và Hồ Ly bất lực nhìn cả lớp, cả lớp buồn bực nhìn tôi, còn tôi, chỉ biết nhìn đăm đăm xuống mặt bàn.

        Đúng lúc đó thì Mít tờ Tuyên bước vào lớp.

  • Sao rồi? Đã tìm được ông nào thay thế ông Tuấn chưa?

        Tên Tuất lắc đầu, đưa ánh mắt ái ngại về phía thầy chủ nhiệm.

  • Các bạn ai cũng có việc phải làm cả rồi. Chắc để em thay Tuấn thôi thầy ạ.

        Mít tờ Tuyên không buồn nói thêm câu nào nữa, chỉ khẽ gật đầu. Đối với ông thầy chủ nhiệm của tôi lúc này mà nói, nếu không phải tên Tuấn béo đi thi thì đứa nào cũng như nhau cả thôi. Coi như chúng tôi chỉ thi đấu giao lưu, không nặng nề chuyện thành tích.

  • Thế còn đội tuyển nữ, đã tìm được ai chưa?

        Đến lượt Hồ Ly buồn bã lắc đầu:

  • Vẫn chưa thầy ạ.

        Mít tờ Tuyên đưa ánh mắt rất không hài lòng nhìn xuống cả lớp:

  • Cái tập thể này, tinh thần thể thao của các ông chán quá! Mỗi học không thì làm ăn được gì.

Đứa nào đứa nấy cúi gằm mặt xuống, như chỉ sợ nhìn lên bắt gặp ánh mắt thầy quét qua thì sẽ mặc nhiên bị chỉ định. Mít tờ Tuyên chờ đợi mãi, càng đợi càng chỉ thấy bầu không khí ngày càng trở nên im lặng, ông ấy khẽ thở dài:

  • Không lẽ hai mươi mấy bạn nữ mà không bạn nào biết đánh cầu lông à?
  • Dạ không thầy. – Có một vài âm thanh lí nhí phát ra.

Tôi không ngờ đúng lúc đó, Đường Tăng nó phản tôi:

  • Có thầy ạ. Có Linh Trang biết đánh

Đúng là phải những lúc nguy cấp mới biết đứa nào là bạn, đứa nào là thù. Tôi nghe có đứa nhắc đến tên mình, giật bắn người ngẩng đầu lên, quét ánh mắt sắc lạnh về hướng vừa phát ra âm thanh. Đường Tăng ngồi ở đó, cứ nháy mắt với tôi lia lịa.

Nếu lúc này hiểu được ý đồ qua mấy cái nháy mắt của nó, tôi chết liền.

Tôi nghiến răng với nó. Nó chẳng hề để ý tới thái độ của tôi, vẫn cứ hất hất mặt về chỗ tôi, mắt nháy điên cuồng, dồn dập.

Tôi dời ánh mắt khỏi người nó, quét lại chỗ Mít tờ Tuyên.

Ông thầy vẫn đang chăm chăm nhìn tôi, chờ đợi.

Hai phút trôi qua trong lặng lẽ và giằng xé. Cuối cùng, tôi chép miệng:

  • Em… đăng ký tham gia ạ.

        Năm mươi sáu cặp mắt tròn xoe nhìn tôi như nhìn người từ trên trời rơi xuống, tôi vẫn ngồi yên bất động. miệng nửa cười, nửa mếu.

        Mít tờ Tuyên bị đơ ra mất một lúc, chắc vẫn chưa kịp thích ứng với sự thay đổi đột ngột của tôi. Ông ấy gật gật đầu trong vô thức, sau đó mới chớp mắt vài cái, miệng lẩm bà lẩm bẩm mấy từ mà tôi cố gắng lắm mới nghe được. Hình như là ông ấy nói: “Ừ, vậy ông tham gia đi.”

Buổi sinh hoạt mười lăm phút đầu giờ kết thúc. Nhân lúc thầy Hùng dạy Văn chưa vào lớp, tôi tót sang chỗ Đường Tăng, véo cho nó một cái vẹo sống lưng:

  • Nãy mày bị ma nhập à, sao tự nhiên chỉ tao?
  • Hồi đầu năm thấy mày nổ mày đánh cầu lông ngang cơ Nguyễn Tiến Minh mà. Vậy nên tao tiến cử.

Tôi tức nổ đom đóm mắt:

  • Mày biết tao nổ mà còn bảo tao đi? Nếu được như Nguyễn Tiến Minh tao đi đấu giải quốc tế kiếm bộn tiền rồi, khổ sở ngồi đây học làm gì.

Đường Tăng vuốt vuốt vào lưng, xoa dịu cơn giận dữ của tôi:

  • Thôi nào, hạ hỏa. Mày tất nhiên không đủ trình xách dép cho Nguyễn Tiến Minh rồi, nhưng so với hai mươi chín đứa con gái còn lại trong lớp, mày hơn đứt.

Tôi không biết phải hiểu câu nói này của Đường Tăng dưới góc độ thế nào, là dè bỉu… hay là nịnh bợ đây?

Tôi quay lưng lại, không thèm nói chuyện với nó. Đường Tăng kéo tay áo tôi, ghé sát vào vành tai tôi thỏ thẻ:

  • Đi đi mày, nếu không tụi trong lớp bao giờ mới hết coi mày là tội đồ.

Tôi quay đầu nhìn nó, đã hơi hiểu được vì sao nó làm vậy. Tự đáy lòng, tôi thấy rất giận nó, nhưng cũng tự đáy lòng, tôi lại biết ơn nó. Đường Tăng nói không sai, tôi bây giờ đang là cái gai trong mắt của cả lớp. Nếu tôi đi thi và mang thành tích về cho lớp, chắc chắn sự ác cảm của mọi người dành cho tôi sẽ bớt đi rất nhiều. Nhưng lỡ tôi thi không đạt thì sao. Đến lúc đó chỉ e rằng tôi đang từ cái gai mít lại chuyển thành gai xương rồng thì còn khổ hơn.

Tôi trầm ngâm một lúc rồi lặng lẽ đi về chỗ ngồi. Tên Tuất vừa lau bảng xong, cũng đi từ trên bục giảng xuống. Lúc đi qua người tôi để vào phía trong, hắn khẽ vỗ nhẹ lên vai tôi. Tôi ngẩng đầu lên, bắt gặp nét dịu dàng trong đôi đồng tử sâu thẳm của hắn:

  • Cùng cố gắng nhé!

Tôi cố nặn ra một nụ cười gượng gạo:

  • Không biết nữa, lâu rồi tớ không chơi cái này.

Hắn ngồi vào vị trí, tự nhiên tự đế lại đưa tay lên vò tóc tôi, không thèm để ý xung quanh có mấy chục con mắt đang dòm ngó:

  • Đừng lo quá, tớ cũng thế mà. Ngày mai tớ mua bộ vợt, chiều tan học bọn mình cùng ở lại tập.

Vừa lúc thầy Hùng bước vào lớp, tên Tuất bỏ tay xuống khỏi đầu tôi, tôi giơ tay lên vuốt vuốt lại mái tóc rối. Tôi nhìn hắn, chỉ thấy ánh mắt hắn cứ dán chằm chằm vào cuốn sách giáo khoa Ngữ Văn, không để ý gì đến xung quanh nữa.

********

Qua hai tiết Văn là đến tiết Thể dục, tôi xin tên Tuất được ở lại trông lớp vì lý do… đau bụng. Đúng là tôi có đau bụng chút xíu thật, dù sao cũng vẫn đang trong mấy ngày đèn đỏ. Nhưng hình như cơn đau bụng lúc này của tôi không đúng thời điểm cho lắm, nó khiến tên Tuất tỏ ra nghi ngờ:

  • Hồi nãy thấy cậu vẫn bình thường mà.

Thường thì cứ mỗi tiết Thể dục lớp tôi sẽ cử ra một người trong bàn có nhiệm vụ trực nhật hôm đó ở lại trông lớp, còn tất cả sẽ ra sân bóng sau trường tập trung để học. Hôm nay bàn tôi không phải là bàn trực nhật, vì vậy nếu muốn ở trong lớp, tôi buộc phải thương lượng với một trong bốn đứa ngồi ở bàn thứ năm dãy ngoài – là bàn có nhiệm vụ trực nhật hôm nay.

Cũng may bàn kia là bốn tên con trai, tụi nó đương nhiên không thích bị cùm chân trong lớp khi lũ con trai còn lại được bay nhảy trên khoảng sân rộng thênh thang kia, vì thế sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, tụi nó bán tín bán nghi nhưng vẫn đồng ý để tôi thay chân làm nhiệm vụ coi lớp.

Tên Tuất cũng chẳng gặng hỏi thêm nữa, hắn vòng qua sau lưng tôi đi ra sân để tập trung lớp trước khi thầy Thắng dạy Thể dục kịp có mặt. Tôi nằm gục đầu xuống bàn, lảng tránh ánh mắt của mọi người thi thoảng lướt qua. Cũng chẳng ai buồn thắc mắc vì sao tôi lại nằm gục mặt như vậy, chỉ có Đường Tăng trước khi ra sân là chạy sang chỗ tôi lo lắng hỏi thăm:

  • Sao thế mày? Mệt à.
  • Ừ, bữa nay đến ngày nên đau bụng quá. – Tôi nhăn mặt, một tay đỡ thái dương, một tay ấn chặt vào bụng.

Đường Tăng nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại:

  • Hay tao dẫn mày xuống phòng y tế nằm lúc nhé!
  • Thôi, thôi… – Tôi mạnh mẽ khoát tay: – Có chết tao cũng không xuống đấy đâu. Tao chỉ đau âm ỉ tí thôi, tại kiêng vận động nên xin ở trong này, mày ra đi không lại bị phạt chống đẩy đó.

Đường Tăng nấn ná mãi mới chịu đứng dậy:

  • Đau nhẹ thật không đấy? Người mày ra nhiều mồ hôi lắm.

Nghe Đường Tăng nói, tôi mới giật mình đưa tay lên sờ trán. Quả là mồ hôi của tôi đã túa ra như tắm tự lúc nào, kèm theo đó là những cơn đau cứ quặn lên ở vùng bụng dưới. Nhưng thấy bản thân vẫn có thể chịu được, tôi lắc đầu đẩy tay Đường Tăng đang đặt trên vai mình ra:

  • Không sao thật mà. Nóng quá nên tao túa mồ hôi thôi, mày ra sân nhanh đi, bọn nó ra hết rồi.

Tôi phải đuổi mãi Đường Tăng mới chịu đi, mà nó đi chậm như rùa, từ chỗ tôi ngồi ra đến cửa lớp có vài bước chân, nó phải di chuyển mất gần năm phút, thi thoảng lại ngoái đầu nhìn lại. Tôi thì cứ phẩy tay xua đuổi, nó lại dùng dằng, nửa muốn đi, nửa không đành lòng.

Mãi đến khi tôi quay mặt về hướng cửa sổ không thèm nhìn nó nữa, nó mới chịu tăng tốc độ, hướng về sân thể dục chạy một mạch. Cùng lúc đó thầy Thắng ở văn phòng bước ra, may sao Đường Tăng thấy bóng thầy vội chạy thục mạng nên vẫn kịp đứng vào hàng trước khi thầy kiểm tra sĩ số.

Tôi ngồi mát-xa bụng một lúc thấy cơn đau bớt lại, buồn buồn không có việc gì làm bèn lôi quyển tiểu thuyết trong cặp ra ngồi đọc, đọc được vài chữ thì… buồn ngủ. Chết tiệt, trước nay mỗi khi học bài buồn ngủ tôi lôi truyện ra đọc là tỉnh táo hắn, giờ phương pháp này lại phản tác dụng mới bực mình.

Đọc truyện không ăn thua, tôi mang quyển “để học tốt” Văn ra chép lấy chép để, soạn trước bài cho cả tháng luôn. Thật ra tôi vẫn nghĩ yêu cầu phải soạn văn trước mỗi buổi học nó khá là vô nghĩa, khi nội dung trong quyền vở soạn văn của tôi và quyển “để học tốt” không khác nhau dù chỉ là dấu chấm, dấu phẩy.

Đang soạn bài… À không, đúng ra là đang chép chính tả, tôi thấy có cảm giác lạ lạ nên đưa ánh mắt hướng ra ngoài hành lang, và giật mình khi thấy cái thân hình của Mít tờ Tuyên đang đổ bộ vào cửa lớp. Tôi vội gập quyển sách để học tốt giấu xuống ngăn bàn, nhưng muộn rồi, tất cả mọi hành động của tôi đều đã kịp thu vào tầm mắt của “ông giáo già”.

Mít tờ Tuyên bước vào và sau khi quét một lượt hai dãy bàn trống huơ trống hoác, ông ta khẽ nheo mắt:

  • Lớp đang học Thể dục à?

Tôi nuốt nước bọt, đáp lí nhí:

  • Dạ.

Trước đây tôi cứ nghĩ tôi ghét Mít tờ Tuyên thôi, bây giờ tôi mới biết không chỉ ghét, mà tôi còn thấy sợ. Khi chỉ có một mình đối diện với cặp mắt mênh mông không thể đoán định kia, tôi có cảm giác mình như một con kiến đang đứng trước gã khổng lồ, đánh không được, chạy cũng không xong, chỉ có thể an phận chịu bị đè bẹp.

Gã khổng lồ chậm rãi bước về phía tôi, cả cơ thể tôi gần như đông cứng lại, tôi mím môi nín thở.

  • Ông lại trốn học chứ gì?

Tôi chớp mắt, lần này tôi có lý do chính đáng à nha:

  • Đâu có, em ở trông lớp mà thầy.

Ông ấy thò tay vào ngăn bàn móc ra quyển để học tốt Văn, điều đáng ghét là ông ấy lại móc được cả quyển tiểu thuyết “Mắt biếc” mà tôi vừa giấu.

  • Đi học ông mang truyện theo làm gì?  – Ông thầy lật lật quyền tiểu thuyết trên tay, như đang cố tìm xem tôi có kẹp cái gì vào trong đó không.
  • Không có thầy ơi, cuốn này em mượn của Huyền Trang về đọc, hôm nay bạn ấy mới mang cho em mà. – Tôi bắt đầu phát huy sở trường nói dối không chớp mắt của mình.
  • Mượn mang về sao không cất vào cặp.

Thật tình trong quãng đời đi học tôi chưa gặp thầy cô nào Hít le như vị thầy chủ nhiệm đáng kính đang đứng trước mặt tôi lúc này, đồ đạc của người ta để đâu mà ông ấy cũng quản lý nữa.

  • Thì ở mình trong lớp buồn, em lôi ra coi tí thôi thầy. – Tôi phụng phịu, mặt ra vẻ tội nghiệp.

Có vẻ chiêu tâm lý này hiệu quả rồi, nghe tôi nói thế, cơ mặt của Mít tờ Tuyên cuối cùng cũng chịu giãn ra chút chút.

Tôi chỉ không ngờ là ông ấy thấy tôi rảnh quá nên cố gắng tạo công ăn việc làm cho tôi bằng cách thả cái “bịch” quyển sổ ghi điểm đang kẹp trong nách nãy giờ xuống trước mặt tôi, giọng điềm nhiên:

  • Buồn thì ngồi chép danh sách lớp vào đây cho thầy.

Tôi kêu la thảm thiết, tất nhiên là chỉ dám kêu thầm trong đầu. Đúng là chạy trời không khỏi nắng, giáo viên trường tôi cái gì cũng giỏi, chuyên môn giỏi, kỹ năng truyền đạt tốt, mỗi tội… lười ghi sổ. Mà lười nhất phải kể đến chính là Mít tờ Tuyên, các thầy cô khác cùng lắm chỉ nhờ học sinh ghi chép thông tin trong sổ điểm cá nhân, riêng ông chủ nhiệm lớp tôi giao phó luôn cả mấy quyền học bạ cho cán sự lớp. Hồ Ly chữ đẹp nên ngoài việc đảm nhận chức bí thư còn kiêm luôn nhiệm vụ trợ lý cho thầy chủ nhiệm, cứ mỗi lần kết thúc học kỳ, ông ấy để Hồ Ly ghi đánh giá vào phần nhận xét của giáo viên, ghi xong chỉ cần đưa cho ông ấy ký “roẹt” rồi chuyển cho phụ huynh từng đứa. Vì thế mấy chục quyền học bạ đều một lời phê y xì nhau: Có ý thức trong học tập và rèn luyện, cần phát huy.

Hôm nay Hồ Ly ra ngoài sân học thể dục và may mắn thay được nhận một tấm kim bài miễn chết, còn tôi lại là đứa phải chết thay. Tôi cay đắng nhìn về phía sân thể dục, hôm nay thầy Thắng cho lớp nghỉ chơi trong khu vực sân bóng, mấy đứa con gái trong đội văn nghệ đang tập tành nhảy múa, những đứa còn lại thì tản ra chơi đủ thứ trò, có chỗ túm năm tụm ba ngồi buôn chuyện. Biết thế lúc nãy tôi đã chẳng tha thiết xin đổi để ở lại coi lớp hôm nay, có đau cách mấy cũng phải cố gắng mà bò ra sân, vì ra rồi thì hôm nay lớp tôi cũng có phải học đâu, đang được thầy Thắng cho nghỉ chơi hết tiết kia kìa. Hức hức.

Mít tờ Tuyên không nhìn thấy sự đau khổ trong mắt tôi, còn nhiệt tình giở quyển sổ ra đến chỗ cần ghi chép:

  • Ghi vào trang này nhé, nhớ chép theo đúng số thứ tự đấy.
  • Em đau bụng quá thầy. – Tôi nhăn mặt xuýt xoa, mắt rưng rưng nhìn lên.

Chiêu này sử dụng lần hai nên tức thật, không hề hiệu quả.

  • Đau bụng cái gì mà đau bụng? – Ông thầy không tỏ ra một chút cảm thông. – Ông lại giả bộ để trốn việc chứ gì?

Tôi đang định cự nự: – phải việc của em đâu mà phải trốn. Nhưng nghĩ ngợi một lúc lại quyết định ngậm miệng. Cũng chẳng phải ngoan ngoãn gì, chẳng qua là mấy hôm trước vừa mới gây chuyện, dù ông thầy không truy cứu nhưng trong lòng tôi vẫn thấy xấu hổ và có lỗi. Dù sao cũng là học sinh và thầy chủ nhiệm, còn phải nhìn mặt nhau dài dài, ít nhất là hai năm nữa nếu tôi không ưu tú đến mức bị… lưu ban. Tôi đang ở thế yếu, ông ấy nắm giữ trong tay vận mệnh ba năm phổ thông của tôi, vì thế, nghĩ tới nghĩ lui, cách tốt nhất vẫn là… nên nhịn.

Tôi nhăn mặt cười:

  • Em đau thật mà, nhưng cũng đỡ rồi. Thôi thầy cứ để đấy em viết cho.

Thấy tôi xuống nước nhanh chóng, ông thầy tỏ ra hơi bất ngờ:

  • Hôm nay không cãi lại nữa à?

Tôi giật mình, suýt bắn cả tim ra ngoài. Nhớ lại cái hôm tôi xẵng giọng với ông ấy qua điện thoại, mồ hôi lại bắt đầu túa ra dồn dập. Tôi quên mất ông thầy của tôi thuộc dạng thù dai mà, đâu có dễ dàng bỏ qua như vậy. Mấy hôm trước ông ấy không nhắc tới chẳng qua là vì chưa tìm được cơ hội đó thôi:

Tôi hơi ngại ngùng:

  • Dạ. Chắc tại bữa đó em mệt nên nói năng lung tung í thầy.

Môi ông ấy bĩu dài ra cả thước:

  • Lý do lý trấu. Nghe thầy Trưng bảo hồi bên C1 ông ngoan lắm mà. Hay sang đây bất mãn gì với tôi?
  • Đâu có thầy. – Tôi lắc đầu lia lịa.
  • Học sinh học trò tôi chẳng có phân biệt ai với ai cả, đối xử như nhau hết thôi. Nhưng mình có ngoan ngoãn, chăm chỉ thì giáo viên người ta mới quý chứ.

Tôi không hiểu sao Mít tờ Tuyên lại nói với tôi những lời như vậy, mặc dù chỉ là triết lý giáo điều nhưng vẫn khiến người nghe là tôi đây cảm thấy hơi chột dạ. Có phải là ông ấy đã nghe được phong thanh đâu đó việc tôi tự ti khi luôn nghĩ bản thân bị xếp vào hàng “con ghẻ”. Những cái này đúng là tôi có nghĩ thật, nhưng cũng chưa từng nói ra với ai, ngoại trừ Đường Tăng, mà Đường Tăng của tôi thì chắc chắn chẳng bao giờ đi bép xép với thầy chủ nhiệm mấy chuyện thế này đâu.

Tôi cười thầm trong bụng, giáo viên ai mả chẳng nói vậy, không lẽ lại bô bô cho cả trường biết là tôi quý em này hơn, tôi ghét em kia lắm. Thế nhưng cứ nhìn vào cách cư xử với mỗi học sinh thì biết liền, đa phần những đứa học giỏi, có xuất thân “đặc biệt” chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn. Cái này đâu chỉ ở mỗi trường học mới có, xã hội đâu đâu cũng vậy mà.

Vì thế tôi chỉ biết gật gật đầu, ra vẻ đồng tình.

  • Tôi có xem bảng kết quả học kỳ một của ông, khá tốt, thầy Trưng cũng bảo ông là đứa thông minh, chịu khó, nhưng sao sang đây lại tụt dốc nhanh thế?

Chẳng lẽ tôi nói toẹt ra là từ ngày bước sang C2, chìm nghỉm giữa một dàn “con cưng” của thầy, tôi chẳng còn động lực và nhiệt tình đâu để mà cố gắng. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ tái nghĩ hồi, vẫn thấy im lặng là tốt nhất. Bây giờ tôi vốn đang ở giữa tâm bão, cũng chăng ngu gì tự tạo thêm vài cơn gió lớn nữa.

  • Dạ, đâu có thầy, em vẫn thế mà. – Tôi chống chế yếu ớt.

Mít tờ Tuyên thở dài rồi phán một câu lạnh tanh:

  • Tập trung vào mà học, dạo này mẹ ông hay gọi điện hỏi thăm lắm đấy.

Lần thứ hai trong vòng năm phút tôi bị doạ cho rớt tim ra ngoài, thật không ngờ ông ấy lấy mẫu thân đại nhân ra để uy hiếp tôi. Trong nhà tôi “nhờn” bố bao nhiêu thì sợ mẹ bấy nhiêu. Bố luôn bao dung, thậm chí là… bao che cho nhiều hành vi quỷ quái của tôi, còn mẹ thì hoàn toàn ngược lại, sẵn sàng cho tôi ăn cán chổi dù đôi khi việc tôi làm chỉ là trò đùa nghịch của trẻ con, hoàn toàn không gây ra tác hại gì lớn, nhưng chỉ cần mẹ cho rằng hành động đấy là sai trái và không phù hợp với lứa tuổi, bà sẵn sàng mang tôi ra… xử đẹp.

Cũng không biết mẹ tôi có gọi điện hỏi thật không và hai người đã trao đổi những gì, tôi chỉ biết chắc chắn ông thầy chưa hề công khai việc tôi bê trễ học hành hay có nhiều câu nói xấc xược với giáo viên, vì nếu điều này xảy ra thì hẳn giờ này mông tôi đã sưng đến nỗi không thể mặc quần được rồi. Nhưng rõ ràng một điều là ông thầy Hít le kia đã nắm được điểm yếu của tôi, và ông ta đang sử dụng nó để đe dọa tôi một cách rất hiệu quả.

Đến lúc này thì mặt tôi xụ xuống như một quả bong bóng xì hơi:

  • Dạ vâng, em biết rồi thầy.

Mít tờ Tuyên lắc đầu thở dài, có vẻ chưa thật tin lắm ở độ thành tâm của câu nói:

  • Thôi, chép sổ đi, tôi đi đây.

Nói rồi ông ấy phẩy mông bỏ đi, để lại quyển sổ điểm nằm chỏng chơ trên bàn. Tôi ngó theo, răng nghiến vào nhau ken két, ngàn lần không cam, vạn kiếp bất phục.

Chép xong cái danh sách lớp dài dằng dặc, tôi nhìn lên đồng hồ treo ở trên đầu bảng thấy còn hơn hai mươi phút nữa mới hết tiết thể dục. Lúc này bụng cũng không còn đau nữa, tôi ngồi thẳng người dậy, đếm từng chiếc lá đầu thu rơi lác đác ngoài sân trường, rồi vô thức đưa mắt nhìn lũ bạn đang chơi đùa ngoài sân bóng.

 Có hai lớp đang học tiết thể dục, lớp tôi và 11B1, mặc dù cả hai giáo viên bộ môn đều cho nghỉ nhưng con trai B1 thì chia phe đá bóng, còn con trai lớp tôi lại chia nhóm… đá cầu. Chỗ gốc cây phượng có dăm bảy đứa chụm đầu lại không biết để làm gì, tôi hơi tò mò bèn với tay lấy kính đeo vào để nhìn cho được rõ.

Dăm bảy đứa kia tất cả đều là học sinh lớp tôi, đang ngồi lại nghe tên Tuất gảy đàn. Chẳng là trong đợt thi đua chào mừng bốn mươi năm thành lập trường lần này lớp tôi tham gia hai tiết mục văn nghệ, một nhảy hiện đại, và một nữa là kết hợp tài năng ghi-ta của tên Tuất và giọng ca mượt mà của Hồ Ly trong ca khúc “Dòng thời gian”. Thật ra nếu đi hỏi mười đứa trong lớp tôi thì cả mười đứa đều gật đầu thừa nhận rằng Tuất và Hồ Ly đích thị là một cặp đôi trời ghép: trai có tài, có sắc, gái đủ sắc, đủ tài. Cả hai không chỉ học giỏi, còn năng nổ trong các hoạt động của lớp, kết hợp với nhau thật sự rất hoàn hảo. Tôi cũng nghĩ người như tên Tuất sẽ thích những cô gái dịu dàng và khéo léo như Hồ Ly, Hồ Ly chắc hẳn cũng sẽ dễ rung động trước kiểu đàn ông đẹp trai và tài hoa như tên Tuất. Hai người đó xứng đôi với nhau quá rồi, chả thế mà được mệnh danh là “perfect couple” của C2 còn gì.

Những ngón tay của tên Tuất lướt nhẹ trên dây đàn, Hồ Ly ngồi bên cạnh miệng chốc lát lại ngân nga, còn mấy khán giả xung quanh thì gật đầu tán thưởng lia lịa. Mấy anh con trai B1 đang cổ vũ đã bóng cũng thi thoảng liếc về phía đó, và rồi khi đôi mắt lướt qua hàng mi cong dài và khuôn mặt trắng hồng của Hồ Ly, tôi có cảm giác như trái tim họ đã chững lại vài ba nhịp. Hồ Ly không chỉ là hoa khôi của lớp, còn rất nổi tiếng trong trưởng, nhiều đàn anh khóa trên và con trai lớp khác đều để ý tăm tia. Nhưng nhất cự ly, nhì tốc độ, họ lại đi bộ thì thua chắc rồi, làm sao chạy đua được với người mỗi ngày hai buổi đều cặp kè bên cạnh cô gái xinh đẹp này, hơn nữa lại có nhiều phẩm chất ưu tú như tên Tuất. Hồ Ly sớm cũng đã bật đèn xanh cho tên Tuất rồi, còn tôi thì chẳng biết ý đồ của ông lớp trường kia thế nào, ngoài mặt luôn tỏ ra thản nhiên, ngoài những lần phải lên văn phòng họp cùng nhau thì cũng không thấy tên Tuất chủ động trêu chọc Hồ Ly như cái cách con trai vẫn thường dùng để tán tỉnh con gái. Nhưng không dưới một lần trong giờ học, khi Hồ Ly lên bảng trả bài, tôi thấy tên Tuất nhìn theo bằng ánh mắt long lanh dịu dàng, trong đôi mắt mênh mông ấy dường như chứa đựng cả một biển tình chưa thổ lộ.

Và cái đứa có tâm hồn nghệ sỹ như tôi nhanh chóng bị khung cảnh thơ mộng kia làm cho xao động. Một người đàn, một người hát, dưới tàng hoa phượng đang rực cháy một góc trời, chàng trai phong trần mà lãng mạn, cô gái thanh thoát mà tinh tế, nếu cắt đi mấy cái đầu dang lô nhô mất trật tự ở xung quanh thì đây quả là một bức tranh đẹp và vô cùng thơ mộng. Tự nhiên tôi nổi hứng vẽ vời, bèn lôi tập giấy A4 trong cặp ra. Chỉ với hai mươi phút còn lại của giờ thể dục, với một khoảng cách khá xa, tôi phác họa ra bức tranh đầy nghệ thuật. Đây là sản phẩm khiến tôi hài lòng nhất, nó thậm chí vượt xa so với bức vẽ đã mang đến cho tôi giải nhất trong cuộc thi vẽ tranh toàn tỉnh hồi tiểu học. Nhưng có lẽ tôi sẽ chẳng công khai tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời này đâu, tôi chỉ giữ lại cho riêng mình thôi, với chút tiếc nuối đầu đời và đâu đó trong tim một niềm đau khe khẽ.

<< Chương 3: Chỗ ngồi mới

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Chương 4: Những rung động đầu đời

Bình luận về bài viết này